Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Tôi chọn Giêsu hay không chọn Giêsu!

Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
T7, 30/07/2011 - 22:04
TÔI CHỌN GIÊSU
HAY KHÔNG CHỌN GIÊSU!


Việc dạy Giáo Lý và vai trò Giáo Lý Viên
Tựa đề của bài viết này gợi hứng từ câu khẩu hiệu "Tôi Chọn Giêsu", cho Đại Hội Giáo Lý Viên của Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, từ ngày 18 đến 22 tháng 7 năm 2011, mỗi ngày từ 18 giờ 15 đến 20 giờ 15, tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận, 6bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM. Tựa đề đúng của Đại Hội là "Tôi Chọn Giêsu". Đây là Đại Hội thứ nhất được tổ chức, từ khi Ủy Ban Giáo Lý của Giáo Phận được thành lập. Đại Hội quy tụ đại biểu các Giáo Lý Viên của các Giáo Xứ, Dòng tu và đoàn thể. Vào ngày bế mạc, Ủy Ban Giáo Lý Giáo Phận đã trao bằng tốt nghiệp Giáo Lý Viên, cấp I và II, cho 170 Giáo Lý Viên, - thuộc 43 giáo xứ của Tổng Giáo Phận, 3 Hội Dòng, và tham dự viên đến từ các Giáo Phận bạn - đã theo khóa học liên tục trong vòng 2 năm. Là một người được mời tham dự và thuyết trình đề tài về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới "Lời Đức Kitô" (Verbum Domini), do Đức Thánh Cha Beneđicto XVI ban hành ngày 30-9-2010, cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ[1], tôi xin ghi lại đây một vài cảm nhận còn tươi mát về Đại Hội.

1. Tham dự một Đại Hội Giáo Lý Viên
Từ ngày 21 đến 26 tháng 10 năm 2010, cũng tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận[2] TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Đại Hội Dân Chúa, mang tính cách quốc gia, dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, dịp mừng 350 truyền giảng Tin Mừng tại Quốc Gia thân yêu Việt Nam (1659-2009)[3], và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Đại Hội Dân Chúa quy tụ đại biểu của các Giáo Phận trên toàn quốc. Tôi cũng được chia sẻ niềm vui của Giáo Hội tại Việt Nam khi tham dự Đại Hội này. Sau Đại Hội Dân Chúa năm 2010, một Thư chung của các Giám Mục Việt Nam đã được công bố cho toàn thể Dân Chúa mang tựa đề "Cùng Nhau bồi đắp nền Văn Minh Tình Thương và Sự Sống" (ngày 28-4-2011, từ đây : Thư Chung 2011)[4].
Bây giờ tôi tham dự một Đại Hội khác, với giới hạn về phạm vi, vì chỉ là của một Giáo Phận, và giới hạn về thành phần tham dự, vì chỉ là các Giáo Lý Viên của Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên tôi nhận ra một tầm quan trọng của Đại Hội Giáo Lý Viên lần này, vì nó nhắc nhở tới một cuộc Họp, mà tôi xin gọi là "Đại Hội Giáo Lý đầu tiên trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam"[5], đó là Đại Hội mà Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte, Vị Đại diện Tông Tòa đầu tiên của Vùng Đàng Trong, đã triệu tập. Trước khi khởi công sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam, vào tháng 2 năm 1670, Ngài đã triệu tập ba thừa sai, 9 linh mục Việt Nam, tại Phố Hiến, như là Công đồng đầu tiên tại Việt Nam, để cùng nhau bàn thảo về việc truyền giáo tại Việt Nam. Trong thời kỳ đầu của việc truyền giáo tại Việt Nam, vai trò của các giáo lý viên được lưu tâm nhiều, qua cơ cấu "Hội các Thày Giảng", ra đời dưới thời Cha Đắc Lộ, vì các Thày Giảng là thành phần của cơ cấu mục vụ và hầu như đảm trách công việc dạy Giáo Lý trong các giáo xứ[6], nhất là ở các vùng xa xôi, và chuẩn bị Giáo Lý, dạy Bổn, chuẩn bị cho các đôi tân hôn. dưới sự hướng dẫn đặt để của Giám Mục[7]. Như vậy họ được coi như là đơn vị chính yếu trong việc rao giảng Tin Mừng khi mà hoàn cảnh không cho phép các linh mục bản xứ hay ngoại quốc tự do thi hành nhiệm vụ trợ giúp giáo dân vững vàng trong giáo lý, đức tin, và các giáo lý viên cũng được mời gọi để loan báo Tin Mừng cho người khác. "Hội các Thày Giảng", như một cơ cấu do thành phần không phải là giáo sỹ, đóng góp thật lớn lao trong sinh hoạt mục vụ giáo huấn trong các giáo xứ, giáo điểm và các nơi truyền giáo xa xăm. Chúng ta nghĩ tới Công đồng chung Vaticano II, trong Sắc Lệnh về Tông đồ Giáo dân, khi Công đồng này nói tới một hình thức tông đồ của giáo dân là "Cùng với việc tông đồ bằng lời nói, mà trong một số hoàn cảnh, lại rất cần thiết, người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa"[8].
Đàng khác Đại Hội các Giáo Lý Viên của TP. Hồ Chí Minh, là một đáp án cho lời kêu gọi của các Giám Mục Việt Nam khi nói tới sự khẩn thiết của việc học Giáo Lý. Thư chung của các Giám Mục (năm 2011) viết như sau: "Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng[9]. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam[10] (nhấn mạnh là của tôi). Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên"[11].
Khi bàn tới cương vị của giáo dân, Đại Hội Dân Chúa cũng cũng nói tới nhu cầu huấn luyện cho giáo dân, nói chung họ cần được huấn luyện về các bộ môn thần học và giáo lý. Thư Chung 2011 đã nói thêm về mục này như sau: "Thật đáng trân trọng những đóng góp quý giá đó (chú thích : của giáo dân), nay Giáo Hội cần quan tâm hơn đến việc phát huy phẩm chất của giáo dân bằng cách tổ chức các khóa huấn luyện về thần học, giáo lý (nhấn mạnh là của tôi), Kinh Thánh, mục vụ. Đồng thời, cần canh tân những đường hướng và qui chế tổ chức giáo phận và giáo xứ, để giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội"[12].
Bài Tham luận của Giáo Lý Viên Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh tại Đại Hội Dân Chúa Việt Nam năm 2010 cũng bày tỏ ước vọng liên hệ tới việc huấn luyện Giáo Lý Viên như sau: "số 2. Trong thời gian vừa qua, số lượng Giáo Lý Viên trẻ gia tăng đáng kể nhưng còn thiếu kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, thiếu kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Chúng con đề nghị Giáo Hội tích cực quan tâm đến việc đào tạo lực lượng Giáo Lý Viên chuyên sâu ở mọi lứa tuổi: người trẻ, người trung niên và cả người lớn tuổi" (xem thêm số 3 của bài Tham Luận này). Bài Tham luận còn đi xa hơn nữa về vấn đề cơ cấu huấn luyện Giáo Lý Viên khi phát biểu: "Cuối cùng, chúng con đề nghị mau chóng có một sự thống nhất về cấu trúc, chương trình và những chuẩn mực của các lớp Giáo Lý nói riêng và các hoạt động mục vụ giáo lý nói chung, để tránh sự khác biệt khi áp dụng giữa các giáo xứ như hiện nay" (số 9). Hy vọng tiếng nói này được các Vị có trách nhiệm trực tiếp lưu tâm và tìm phương án cụ thể thực hiện.
Những câu quả quyết trên của Thư Chung 2011, nhum nhém trong tâm tư các Vị Chủ Chăn, và những biểu lộ chân thành từ phía các người Giáo Lý Viên, thật rõ ràng và cần được khai triển thêm để thấy rõ hơn ý hướng của Đại Hội Dân Chúa và các người khác về vấn đề huấn luyện Giáo Lý cho giáo dân và các Giáo Lý Viên.

2. Việc dạy Giáo Lý trong Giáo Hội
Nhìn vào chính căn tính của Giáo Lý, Sách Giáo Lý Công Giáo của Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta một câu định nghĩa sau đây về việc dạy Giáo Lý và về Giáo Lý Viên: "Cách chung có thể khẳng định dạy Giáo Lý là giáo dục đức tin cho trẻ em, thanh niên và người lớn, đặc biệt qua việc dạy Giáo Lý Công Giáo, thông thường được tiến hành cách có tổ chức và hệ thống, với mục đích dẫn đưa tín hữu đến cuộc sống Kitô Hữu sung mãn"[13]. Trong câu định nghĩa đơn giản này, chúng ta nhận ra một số yếu tố của việc dạy Giáo Lý:
- Dạy Giáo Lý là việc giáo dục đức tin. Người tín hữu lãnh nhận đức tin khi chịu các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo, hay lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Trong nghi thức rửa tội trẻ em, linh mục hỏi cha mẹ và người đỡ đầu có sẵn sàng chấp nhận trách nhận giáo dục đức tin không? Trong Nghi thức Rửa tội cho trẻ nhỏ này, linh mục hỏi: "Khi xin Phép Thánh Tẩy cho con cái, ông bà (anh chị) lãnh nhận trách nhiệm giáo dục con cái trong đức tin, để các cháu tuân giữ các giới răn là mến Chúa yêu người, như Chúa Kitô đã dạy chúng ta, ông bà có ý thức điều đó không? Tất cả các cha mẹ thưa: "Thưa ý thức"[14]. Như vậy việc lãnh nhận đức tin được Thiên Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, luôn đi kèm với việc giáo dục đức tin này[15], hay nói kiểu khác, là giáo dục người tín hữu trong đức tin đã lãnh nhận. Đây là công việc được cụ thể hóa trong việc dạy Giáo Lý.
- Giáo Lý mang đặc tính rõ ràng, đó là Giáo Lý Công Giáo, hoặc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo[16]. Yếu tố thứ hai được lưu ý trong việc dạy Giáo Lý, đó là nội dung của việc giáo dục đức tin, của việc dạy Giáo Lý. Giáo Lý này phải mang tính cách Công Giáo. Kiểu nói này mang ý nghĩa là: Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, Giáo Lý mà Giáo Hội Công Giáo dạy, Giáo Lý này loại bỏ những gì không phải là Công Giáo hay ngược lại với tín điều người Công Giáo tin. Câu này được xác định do đòi hỏi của chính bản tính của Giáo Lý. Nhưng câu nói này cũng nhắc nhở tới những giai đoạn trong lịch sử Giáo Hội về việc dạy Giáo Lý:
Gial đoạn thứ nhất : vào 4 thế kỷ đầu, Giáo Hội đã dần dần thành hình công tác việc dạy Giáo Lý. Trước tiên là Tập "Giáo huấn của Các Thánh Tông đồ' với tựa đềvắn gọn là "Giáo Huấn" (Didache)[17]. Nhưng tựa đề đầy đủ hơn là: "Giáo huấn của Chúa Kitô dạy cho muôn dân qua các Thánh Tông đồ". Như vậy nội dung cuốn sách này như là một cuốn Giáo Lý vào thời liền sau các thánh Tông đồ. Sách trình bày các vấn đề liên hệ tới cử hành phụng vụ và các điều khoản mang tính cách kỷ luật, tuy nhiên luôn được trình bày dưới hình thức một bài Giáo Lý, như Nghi thức cho dự tòng có bài trình bày về hai con đường: con đường đưa tới sự sống, và con đường đưa tới sự chết và một bài tóm các điều chính yếu mà các dự tòng phải tin[18].
Tiếp theo chúng ta cũng có thể trưng dẫn một thí dụ khác, đó các bài "Minh giáo" (Apologiae) của Thánh Giustino, vào giữa thế kỷ thứ II, để trình bày cho Hoàng đế Rôma – vì lúc đó đang có những cuộc bắt đạo với Kitô Hữu - biết những điều người Kitô Hữu tin và những nghi lễ mà họ cử hành, hầu đánh tan nghi ngờ về Kitô Giáo, một tôn giáo mới trong vùng Đế Quốc Rôma, phát xuất từ Palestina, với Đức Giêsu Kitô. Bài Minh Giáo này cũng được coi như một bài Giáo Lý về Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể : "Vậy giờ đây đến lúc giải thích khi được tái sinh do Đức Kitô, chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta quên nói điều này trong bài trình bày của chúng ta, thì chúng ta quên đi một điều quan trọng. Những ai tin vào những dạy dỗ của chúng ta và giáo huấn của chúng ta, thì họ phải hứ trước tiên là sống theo các giáo huấn này. Vậy chúng ta sẽ dạy cho họ biết cầu nguyện và cầu xin Thiên Chúa, trong khi ăn chay, được ơn tha thứ các tội của mình, và chính chúng ta cũng phải cầu nguyện với họ . . . "[19]. Ngay từ thời Thánh Giustino, lời giảng dạy và đời sống luôn đi liền với nhau.
Giai đoạn thứ hai : đây là thời hoàng kim của việc dạy Giáo Lý do các Giáo Phụ thực hiện. Một số các Giám Mục đã dành nhiều thời giờ cho việc dạy Giáo Lý, như các bài giáo lý thời danh của thánh Cirillo thành Giêrusalem[20], thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Ambrosio, Thánh Augustinô. Các ngài đã để lại các tác phẩm dạy Giáo Lý làm mẫu mực[21]. Các bài Giáo Lý này được viết ra do kinh nghiệm từ các cuộc phản bội Kitô Giáo, chối bỏ Kitô Giáo trong các thời kỳ bách đạo, và Giáo Hội đã muốn giáo dục đức tin cách sâu xa hơn để các tín hữu có thể đương đầu với các thử thách, trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội trong các cuộc bắt đạo. Cũng trong thời kỳ này, cơ cấu Nghi thức Khai Tâm Kitô giáo thành hình, để qua thời gian dự tòng kéo dài với các giai đoạn khác nhau, họ được chuẩn bị và dạy dỗ kỹ lưỡng hơn.
Giai đoạn thứ ba : trước Công đồng chung Triđentino, trong đó một số người đã đưa ra những lý thuyết và những điều trái với Giáo Lý Công Giáo. Vì thế Công đồng đã lưu tâm nhiều tới việc học và dạy Giáo Lý. Ngoài ra Công đồng Triđentino cũng lưu ý đặc biệt tới việc dạy giáo lý và đem lại một nguồn năng lực mới cho tác vụ dạy Giáo Lý, như :
· Công đồng dành phần ưu tiên cho việc dạy Giáo lý trong các văn kiện của mình.
· Công đồng là nguồn gốc của Sách Giáo Lý Rôma (Catechismus Romnanus), một cuốn sách mang danh Công đồng: đây là một tác phẩm tuyệt với với tính cách là bản toát yếu Giáo Lý Kitô giáo.
· Công đồng đã khơi dậy trong Hội Thánh một quan tâm đáng kể đối với việc dạy Giáo Lý.
· Công đồng đã thúc đầy việc soạn thảo nhiều bộ sách Giáo Lý, là công trình của các Thánh Giám Mục và thần học gia, như Thánh Phêrô Canisio, Thánh Carolo Boromeo, Thánh Turibio Mogrovejo, Thánh Roberto Bellarmino[22]
Từ đây chúng ta có cuốn Giáo Lý Rôma của Công đồng Triđentino (Catechismus Romanus)[23] hoặc Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Piô V. Cuốn Giáo Lý này đã trở nên thủ bản cho các Sách Giáo Lý khác và cho việc dạy Giáo Lý về sau này. Cơ cấu của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo ban hành năm 1992, đã theo cơ cấu của Sách Giáo Lý Rôma. Cuốn thủ bản Đại Cương Giáo Lý (Compendium Catechismi) ban hành sau Cuốn Giáo Lý năm 1992, đã thành hình do lời yêu cầu của các Giám Mục trên thế giới, muốn có một bản tóm các điều phải tin và phải làm, để giúp tín hữu hiểu biết và sống đức tin của mình.
Giai đoạn thứ tư : vào những thập niên đầu ngàn năm thứ II, khi những lý thuyết của Bè Tân Phái (Modernismus) làm lung lạc đức tin của các tín hữu, nhu cầu Giáo Lý lại được nhấn mạnh. Từ đây chúng ta có Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Thánh Piô X.
Sau cùng, giai đoạn hậu Công đồng chung Vaticano II, chứng kiến nhiều luồng tư tưởng sai lạc, nhưng lại được trình bày một cách hết sức tế nhị khéo léo. Từ đây chúng ta có Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, phát hành năm 1992, mang tựa đề "Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo"[24] (Catechismus Ecclesiae Catholicae) và sau đó là cuốn Thủ bản đại cương Giáo Lý Công giáo (Compendium Catechismi). Khi công bố Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo mới được soạn thảo, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói như sau: "Vì thế, hôm nay chúng tôi hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, vì có thể giới thiệu với toàn thể Hội Thánh "bản văn quy chiếu" này với tên gọi là Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo để canh tân việc dạy giáo lý nhờ các nguồn mạch sống động của Đức Tin. Sau việc canh tân phụng vụ và soạn thẻo bộ Giáo Luật mới cho Giáo Hội La tinh và các bộ luật cho các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo, Sách Giáo Lý này sẽ góp phần rất quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn bộ Hội Thánh, như Công đồng Vaticano II mong muốn và đã khởi sự" [25] .
Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa họp bất thường, năm 1985 đã có một yêu cầu soạn thảo một Sách Giáo Lý cho toàn thể Giáo Hội. Bản văn nói: "Ước nguyện chung là có một sách giáo lý hay một bản toát yếu tóm lược toàn bộ đạo lý công giáo, cả về đức tin lẫn luân lý"[26].
Trong Giai đoạn soạn thảo Sách Giáo Lý Công Giáo, chúng ta có thể nói tới yếu tố văn hóa, như các Giám Mục Việt Nam đã mong muốn: "Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam[27] (nhấn mạnh là của tôi). Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên". Yếu tố gần gũi này, được thể hiện qua các giai đoạn : dịch Sách Giáo Lý chung, đưa ra một án trình Giáo Lý hợp với các lứa tuổi tại Việt Nam, với vốn kiến thức văn hóa của người nghe, dùng các hình ảnh, câu truyện trong văn chương Việt Nam giúp làm sáng tỏ điểm Giáo Lý, và soạn ra một cuốn Giáo Lý cho Giáo Hội tại Việt Nam, dựa trên Sách Giáo Lý chung của Giáo Hội hoàn vũ. Ngày xưa Cha Đắc Lộ đã soạn ra cuốn "Phép Giảng Tám Ngày" để giúp các Giáo Lý Viên có một thủ bản đơn sơ dùng trong việc dạy giáo lý. Sau đó chúng ta có những cuốn "Sách Bổn" của các Giáo Phận. Phương pháp học Giáo Lý "Hỏi – Thưa" cũng là một hình thức học Giáo Lý mang tính cách văn hóa Việt Nam[28].
Trở về với câu định nghĩa việc dạy Giáo Lý[29], chúng ta nói tới các đối tác của việc dạy Giáo Lý là:
· trẻ em
· thanh niên
· người lớn
Ở đây chúng ta thấy câu định nghĩa việc dạy Giáo Lý nói tới các đối tác của việc dạy Giáo Lý tóm gọn trong 3 hạng người : trẻ em, thanh niên và người lớn. Người lớn đây có thể được hiểu – theo mẫu hình được nói tới ngày nay - như người công giáo lớn tuổi trong trường hợp thông thường, người công giáo lớn tuổi, trong dịp lãnh nhận Bí Tích Hôn Phối, và người công giáo lớn tuổi trong các hoàn cảnh đặc biệt. Do đó mọi lứa tuổi cần tiếp tục học Giáo Lý và được trợ giúp để hiểu biết sâu rộng Giáo Lý, để có thể soi sáng cho cuộc sinh của họ.
Tiếp theo, câu định nghĩa trên nói tới việc dạy Giáo Lý cần được thực hiện cách có tổ chức và có hệ thống. Câu định nghĩa việc dạy Giáo Lý nêu trên đây nói tới phương pháp hay các dạy Giáo Lý. Đó là việc dạy có tổ chức và có hệ thống. Ở đây chúng ta nghĩ tới bố cục của Sách Giáo Lý. Bố cục này dựa vào 4 cột trụ chính và truyền thống: Tôi tin, Tôi cử hành, Tôi làm và Tôi nguyện cầu[30].
Sau cùng mục đích của việc dạy Giáo Lý, là đưa tín hữu tới đời sống Kitô Hữu cách sung mãn. Câu này nằm trong câu định nghĩa mà chúng tôi trích dẫn trên đây. Mục đích này cho thấy một khía cạnh mục vụ chính yếu, đó là đem tín hữu đạt tới sự sống sung mãn đời đời, như Chúa Giêsu nói: "Ta đến để chúng được sống và được sống dồi dào" (Ga 10, 10). Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo còn khai triển sâu rộng hơn mục đích này, khi nói : "Mục đích của Sách Giáo Lý và trình bày một cách mạch lạc và tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của Giáo Lý Công Giáo, về đức tin và luân lý, dưới ánh sáng Công đồng Vaticano II và toàn bộ Thánh Truyền của Hội Thánh"[31].
Như vậy chúng ta có được một ý niệm tổng hợp về việc dạy Giáo Lý, mà chính Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đưa ra.

3. Chúa Giêsu, Vị Giáo Lý Viên của Thiên Chúa
Việc dạy dỗ Giáo Lý trước tiên đã được chính Chúa Giêsu thực hiện trong đời sống công khai của Ngài, vì "chính Người là nguồn mạch thật của đức tin, là mẫu mực của đời sống luân lý Kitô Giáo và là Thày dạy chúng ta cầu nguyện"[32]. Ngài giải thích cho dân chúng về Nước Trời, về Nước Thiên Chúa. Ngài cũng tiếp tục công việc giáo dục đức tin này qua vai trò và hoạt động của Chúa Thánh Thần, cũng như các Tông đồ mà Đức Kitô đã chọn lựa và sai đi rao giảng[33]. Tông Huấn "Lời Đức Kitô" (Verbum Domini) trình bày cho chúng ta biết về thực tại này như sau: "Thật vậy trong nhân tính hoàn hảo, Người (Chúa Kitô) thực hiện thánh ý Cha từng giây từng phút. Đức Giêsu lắng nghe tiếng Ngài phán và hết lòng vâng phục Ngài. Người biết Cha và tuân giữ lời của Ngài (xem Ga 8, 55). Người kể cho chúng ta biết những gì Cha đã nói với Người (xem Ga 12, 50). "Con đã ban cho họ những lời mà Cha ban cho Con . . . Người lắng nghe, thực hiện trong chính mình và thông ban cho chúng ta Lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo"[34]. Khi rao giảng Người kể cho dân chúng nghe các dụ ngôn, so sánh, diễn giảng, để trình bày về Nước Thiên Chúa. Như vậy chúng ta có thể nắm bắt được chân dung của Chúa Giêsu Vị Giáo Lý Viên của Thiên Chúa, đó là:
- Sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha (Ngài thường đi cầu nguyện một mình với Chúa Cha, Lc 6, 12).
- Thi hành trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha: của ăn của Ngài là làm theo ý Chúa Cha (Ga 4, 34).
- Lắng nghe Lời của Chúa Cha nói vả đem ra thực hành (Lc 8, 21).
- Thông truyền các Lời của Chúa Cha mà Ngài đã nghe được cho nhân loại cách hoàn hảo, trọn vẹn (Ga 17, 7).
- Cho nhân loại biết Lời Thiên Chúa là ánh sáng của trần gian, ánh sáng soi trong đêm tối, như lời Thánh vịnh 119 nói : " Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi"(câu 105); và Thiên Chúa là tình yêu (xem 1Ga 4,8).
Như vậy Giáo Lý Viên, nếu muốn theo gương Chúa Giêsu Kitô, Vị Giáo Lý viên của Thiên Chúa, và trở nên Giáo Lý Viên đúng nghĩa trong Giáo Hội, cũng mang trong mình những nét vẻ của Giáo Lý Viên duy nhất là Đức Giêsu. Và như câu tựa đề cho bài viết này:"TÔI CHỌN GIÊSU HAY KHÔNG CHỌN GIÊSU!", sẽ chỉ còn một chọn lựa duy nhất là chọn Chúa Giêsu mà thôi. Ở đây chúng ta đã đi từ suy tư về con người Chúa Giêsu và con người Giáo Lý Viên, để đi tới một sự đồng hóa giữa Chúa và Giáo Lý viên, và đưa Giáo Lý Viên tới một sự chọn lựa duy nhất và hợp lý: TÔI CHỌN GIÊSU.
Ngoài ra người Giáo Lý Viên sẽ thực sự tham dự vào sứ vụ giáo huấn của Giáo Hội. Đây là một trong ba sứ vụ của Chúa Kitô: sứ vụ giáo huấn, sứ vụ thánh hóa và sứ vụ cai quản. Đây có lẽ là một điều Công đồng Vaticano II đã làm sáng tỏ trong tiến trình nhận ra vai trò của giáo dân trong Giáo Hội[35].

4. Giáo Lý Viên trong thời đại ngày nay
Nói tới vấn đề này, Giáo Lý Viên nhận ra ngay những khó khăn và thách đố họ gặp phải trong khi thi hành sứ vụ Giáo Lý Viên trong thời đại ngày nay. Chúng ta có thể nhận diện những thách đố này được trình bày một cách chung trong Thư chung 2011 của các Giám Mục Việt Nam sau Đại Hội Dân Chúa 2010. Chúng ta lần lượt trình bày các thách đố khó khăn này trong tương quan với việc dạy Giáo Lý :
"Hiện trạng kinh tế ấy kéo theo nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam. Sinh hoạt làng quê cổ truyền dần dần được thay thế bằng nếp sống đô thị. . . Giới trẻ Việt Nam rất năng động, sẵn sàng tham gia những giao lưu và sinh hoạt xã hội . . . Tuy nhiên chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh, . . .đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, miễn là không bị bắt hay không ai nhìn thấy. Tiêu chuẩn tốt xấu trở thành tương đối và như thế, có sự phá sản về sự phá sản lương tâm"[36].
Khó khăn này có ảnh hưởng gì tới Giáo Lý Viên và họ phản ứng như thế nào? Trước tiên họ cần ý thức về sự thay đổi xã hội này. Ý thức này làm họ suy tư và tìm kiếm những cách phản ứng đúng thời và cụ thể. Rồi Giáo Lý Viên biết rõ rằng, họ cũng đang lôi cuốn vào con đường thay đổi xã hội này. Từ đây họ nhìn vào hoàn cảnh chung quanh mình, trong gia đình, giáo xứ, làng xóm, cộng đoàn, nơi các người họ đang dạy Giáo Lý cho. Họ nắm bắt những điểm tích cực và tiêu cực của sự thay đổi trong xã hội Việt Nam và tìm ra các đáp án cho các vấn đề, cụ thể cho việc dạy Giáo Lý. Như vậy họ làm chủ hoàn cảnh và không để những thay đổi hướng dẫn cuộc sống và sinh hoạt của họ. Điều chính yếu là nhờ Giáo Lý Công Giáo mà lương tâm của giới trẻ không bị phá sản.
Tiếp theo là loại khó khăn thứ hai, được các Giám Mục Việt Nam trình bày như sau: "Nền kinh tế thị trường phần nào đã giúp cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, chủ trương tập quyền, những chính sách bất cập . . . tạo nên lối sống ích kỷ, đun đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích . . ."[37]. Các Giám Mục dám nhìn thẳng vào cơ chế xã hội, như chủ trương tập quyền, chính sách bất cập . . . để nói cho con chiên về các hậu quả của tình trạng xã hội này: là tạo ra lối sống ích kỷ, trốn tránh trách nhiệm, thiếu quan tâm đến công ích. Các lối sống trắc trách này đi ngược lại với tình hiệp thông, liên đới và đức bác ái gợi hứng từ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Các lối sống tiêu cực này cản trở cho việc thăng tiến cá nhân và tập thể, làm cho người khác hiểu sai về sức hiệu nghiệm của Tin Mừng để cải hóa xã hội, như men trong bột, muối đời vá ánh sáng thế gian[38]. Ở đây việc dạy Giáo Lý cần lưu tâm để có thể dọi những ánh sáng của Tin Mừng hầu làm cho việc thăng tiến con người được thể hiện. Phần thứ III của Sách Giáo Lý Công Giáo muốn đưa ra các chuẩn mực cho đời sống cá nhân và cộng đoàn.
Một ưu tư khác của các Giám Mục, đó là sự hủy hoại trong gia đình : "Truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn đề cao những đức tính như tình gia đình gia tộc, tương quan tương ái, tôn sư trọng đạo . . . Tuy nhiên, những giá trị đó đang bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ, tính cục bộ và óc địa phương hẹp hòi, thói gian dối và lừa đảo, nạn bạo hành. Điều đáng lo ngại hơn cả là phẩm chất giáo dục . . . "[39]. Điều này gắn liền cách hiển nhiên với việc dạy Giáo Lý, vì dạy Giáo Lý là giáo dục con người trong phạm thể dục, trí dục và đức dục. Trên căn bản này, việc giáo dục đức tin mới có chỗ đứng và nền tảng. Nếu phẩm chất giáo dục bị xuống cấp, thì việc giáo dục đức tin cũng gặp khó khăn, hay không thể đem lại kết quả dồi dào. Dụ ngôn gieo giống tốt trong các thửa đất khác nhau là một thí dụ giúp chúng ta hiểu về điều này[40].
Ngoài các khó khăn chung được kể ra trên đây, Giáo Lý Viên còn gặp phải các khó khăn khác, như địa vị và vai trò của Giáo Lý Viên chưa được phân định và công nhận cách rõ rệt trong cộng đồng giáo xứ, giáo họ. Khó khăn đến từ các gia đình có con em đến học Giáo Lý, vì chưa có sự cộng tác tích cực, thiếu thông tin chính xác, không theo dõi đủ từ phía phụ huynh, gia đình khoán trắng cho Giáo xứ, cho các linh mục, cho các Giáo Lý Viên, đôi khi một vài phần tử trong gia đình có những lối sống phản chứng từ phía gia đình; hoặc không có sự nhất trí trong chương trình và phương pháp dạy Giáo Lý ngay trong một Giáo Xứ. Một đôi nơi Giáo Lý Viên chưa được sự tín nhiệm của các linh mục.

Kết Luận
Khi ghi lại những dòng nhận định này về việc dạy Giáo Lý, tôi muốn xác tin về hai điềm sau đây:
Trước tiên là thời điểm các Giáo Lý Viên đảm nhận trách nhiệm dạy Giáo Lý như là sự tham gia vào sứ vụ giáo huấn của Giáo Hội, cũng như theo các cách thế khác nhau, họ đã tham dự vào sứ vụ tư tế và cai quản của Giáo Hội.
Điểm thứ hai là nhu cầu đào tạo Giáo Lý viên, mà bài này đã trưng dẫn nhiều văn kiện và nói tới khát vọng được chính các Giáo Lý Viên bày tỏ trong Đại Hội Dân Chúa năm 2010.
Xin Thánh Thần Chúa đã làm rộn nở lớp Giáo Lý Viên đầu tiên trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, cũng làm cho ý thức đóng góp của các Giáo Lý Viên ngày nay có được cơ may phát triển trong chiều sâu chiều xa dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Ngày 27-7-2011
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
CHÚ THÍCH
[1] Đại Hội còn học hỏi 3 đề tài khác nữa, đó là : Giáo Lý và Truyền Thông, do Cha Vũ Hữu Hiền đảm nhận; Kịch bản Kinh Thánh, do Cha Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa, SI., đảm nhận; Kể Chuyện trong Giáo Lý, do Cha Giuse Lê Quang Uy CSsR, đảm nhận.
[2] Hai biến cố lớn lao mang tính cách giáo hội này đã được các Giám Mục Việt Nam mừng cách trọng thể trong vòng một năm (2009-2010) với ba Lễ Hội tại Ba Vùng khác nhau: Lễ Khai mạc tại Sở Kiện (24-11-2009, Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam); Đại Hội Dân Chúa, từ ngày 21-26 tháng 11 năm 2010, tại Thành Phố Hồ Chí Minh, và Lễ Bế Mạc, tại Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu La Vang, ngày 6-1-2011, với Vị Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, là Đức Hồng Y Ivan Dias, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo.
[3] Niên hiệu 1659 là một mốc thời gian quan trọng cho việc truyền giáo tại Việt Nam, và cho Giáo Hội tại Việt Nam , vì từ năm này có sự chuyển tiếp từ chế độ bảo trợ truyền giáo của người Bồ Đào Nha sang chế độ tông tòa, với việc bổ nhiệm ba vị Đại Diện Tông Tòa đầu tiên: Đức Cha Pallu, Lambert de la Mote, và Đức Cha Cotolendi (xem Lm Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, Nhà xuất bản Đông Phương, Tp. HCM, 2010, tr.9.
[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam "Cùng nhau bồi đắp nền văn minh Tình thương và sự sống", Phụ trương báo Hiệp Thông, Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh, 2011. Tựa đề của Thư chung này trích từ Kinh Đức Mẹ La Vang.
[5] Xem Đề nghị của Đại Hội Dân Chúa 2010, số 21: "Đề nghị 21 : Đào tạo giáo lý viên: Trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam đã có một tổ chức "Thầy Giảng" làm thành nét riêng của mình. Ngay cả ngày nay, Giáo Hội tại Việt Nam cũng gặt hái nhiều thành quả tông đồ nhờ các Giáo Lý Viên, trẻ cũng như đứng tuổi, đang dấn thân quảng đại cho việc dạy Giáo Lý, trong các cộng đoàn cũng như ở những nơi rất hẻo lánh. Vì thế, Đại Hội Dân Chúa đề nghị:1
- Để các Giáo Lý Viên có thể chu toàn sứ mạng cao cả, cần chú tâm đến việc đào tạo. Chương trình đào tạo Giáo Lý Viên phải quan tâm đến cả bốn chiều kích nhân bản, trí thức, thiêng liêng và mục vụ.
- Giáo phận nên tìm ra những phương thức cụ thể để hỗ trợ các Giáo Lý Viên, ngay cả về vật chất tài chính, vỉ nhiều người trong họ tuy rất quảng đại song rất chật vật".
[6] Khi còn nhỏ ở Họ Hàm Phu, Xứ Quân Triêm, Giáo Phận Phát Diệm, một Ông Quản Giáo, tên là Ông Quản Bình, đã dạy Bổn cho tôi và chuẩn bị cho tôi rước lễ lần đầu, vào dịp các Cha di "Làm Phúc" ở Họ.
[7] Công đồng Phố Hiến, có 33 điều được Tòa Thánh duyệt ý và chấp thuận ngày 23-7-1673. Số 5 của văn kiện nói về Thày Giáng như sau : "Các Thày Giảng phải do giám mục hay linh mục đại diện của ngài đặt để:. Còn Công đồng Hội An, Công đồng đầu tiên cho Đàng Trong, do Đức Cha Phe6ro6 Maria Lambert de la Motte, triệu tập cho Đàng Trong tại Hội An, ngày 19-1-1672. Công đồng này có 10 quyết định. Trong số này, điều 3 nói về các Thày Giảng như sau: "Các thày giảng làm việc phải có phép của giám mục sở tại,hoặc đại diện linh mục đại diện của ngài, nếu không thì bị vạ tuyệt thông".
[8] Công đồng chung Vatican II, Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, số 16, bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện, Đà Lạt, 1972. Coi thêm Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh, Giáo Hội tại Việt Nam, Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, Ban tổ chức Năm Thánh 2010, Tp, Hồ Chí Minh, 2010, số 6.1 viết : "Những giáo dân có khả năng và được đào tạo còn có thể góp phần trong việc dạy giáo lý (GL 774), dạy các khoa học thánh (GL 229) và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội" (GL 823). Coi thêm số 8.2 : "Một trong những điều chúng ta hân hoan tạ ơn Chúa trong Năm Thánh 2010 là sự gắn bó và tham gia tích cực của người giáo dân trong việc huấn giáo hay trong việc dạy Giáo Lý, bởi con số Giáo Lý Viên thiện nguyện trong bản bá cáo hằng năm của các Giáo Phận một ngày một gia tăng. Hồng ân này đòi hỏi chúng ta phải bảo tồn và phát huy dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội". Và Tài liệu ở số 9, 1 còn viết thêm :"Đối với những thế hệ mới, giáo dân phải giúp một phần quý giá và cần thiết hơn bao giờ hết, là hết sức cố gắng để dạy Giáo Lý. Các Nghị Phụ Thượng Hội đồng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của các Giáo Lý Viên, công nhận họ có một công tác rất quan trọng trong việc làm sinh động các cộng đoàn Giáo Hội" (Tông Huấn Kitô hữu Giáo dân (Christifideles laici, 34).
[9] x. Họi Đồng Gia1m Mục Việt Nam, Thư chung 2007 "Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo Hội Ngày Mai", số 26-31; Tài liệu làm việc, số 26; Đề cương, số 35-38.
[10] Đề nghị 2.
[11] Thư Chung 2011, số 11. Xem Đề nghị 21, 22.
[12] Thư Chung 2011, số 27.
[13] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo ( = GLCG), bản dịch của Hội Đông Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2011, số 5.
[14] Linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ thu tập và sắp xép, Cẩm nang các Nghi Thức Bí Tích và Á Bí Tích, Thành Phố Hồ Chí Minh, Tháng 01 năm 2003, Lưu hành nội bộ, tr. 12 và 13; xem tr.. 23 và 24: Nghi thức Rửa tội người lớn,
[15] Ở đây chúng ta có thế áp dụng một câu châm ngôn trong thần học "Fides quaerit intellectum" (= đức tin đi tìm lý tri).
[16] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo định nghĩa thuật ngữ 'Công Giáo" như sau: "Thuật ngữ 'Công Giáo' (catholica) có nghĩa là "phổ quát", hoặc "theo tính toàn bộ" hoặc "theo sự toàn vẹn". Hội Thánh là Công Giáo bởi vì Hội Thánh được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân lao5i" (GLCG, số 830 và 831).
[17] Sách Didache được khám phá ra vào năm 1833, dựa vào một bản thảo năm 1057.
[18] Kinh Tin Kính ghi trong Sách Truyền Thống các Thánh Tông đố: "Credo in Deum patrem omnipotentem. Et in Christum Iesum, filium Dei. Qui natus de Spiritu Sancto ex Maria Virgine. Et cruciifixus sub Pontio Pilato et mortuus est et sepultus. Et resurrexit die tertia vivus a mortuis. Et ascendit in caelis. Venturus iudicare vivos et mortuos. Et in Spiritum Sanctum et sanctam ecclesiam. Et carnis resurrexctionem". Công thức đầu tiên này vắn gọn các điều phải tin được thành hình thật sớm trong Giáo Hội,, ngay từ thế kỷ thứ 2, để dạy các dự tòng học hỏi và học thuộc. Tôi xin tạm dịch : "Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng. Tôi tin kính Chúa Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa. Ngài sinh ra bởi phép Đức Chúa Thánh Thần trong lòng trinh nữ Maria. Bị đóng đinh dưới thời quan Phongxiô Philatô, chết và được chôn cất. Ngày thứ ba Ngài sống lại bởi trong kẻ chết. Và lên trên. Ngài sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Tin sự sống lại của xác thịt".
[19] Giustino, Apologia I, 61.
[20] Chúng tôi xin đan cử một số các bài Giáo Lý thời danh của Thánh Cirillo thành Giêrusalem, mà Sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh đã chọn để đọc trong Giờ Kinh Sách, như Bài Giáo Lý 1 (tuần XIII, Quanh Năm, thứ bảy), Bài Giáo Lý thứ 3 (Ngày 18 tháng 3, lễ nhớ Thánh Cyrillo thành Giêruslem), Bài Giáo Lý 5 (dùng cho hai ngày: tuần 31, thứ tư và thứ năm), Bài Giáo Lý 16 (Tuần VII, Mùa Phục Sinh, thứ hai), Bài Giáo Lý 13 (tuần IV, Mùa Thường Niên, thứ năm), Bài Giáo Lý 15 (Tuần I Mùa Vọng, Chúa Nhật), Bài GiáoLý 18 (Tuần thứ XVII Mùa Thường Niên, thứ tư và thứ năm),
[21] Xem Giáo Lý Công Giáo số 8.
[22] Sách Giáo Lý Công Giáo, Nhà Xuất bẢN tôn giáo, 2011, Lời Mở Đầu, tr. 19.
[23] Xem Giáoo Lý Công Giáo, số 9.
[24] Bản dịch tiếng Viêt Nam đã do Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thực hiện. Bản dịch đạ được Bộ Giáo Lý Đức Tin chuẩn nhận và cho phép ấn hành, với văn thư mang số Prot. I/03, ngày 25-6-2009, mang chữ ký của Đức Hồng Y Tổng Trưởng, Willia Card. Levada. Hội Đồng Giám Mục Việt đã xuất bản năm 2011. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được trao gười trước tiên tới các Giám Mục, là những Thày dạy đức tin, tới các người soạn Sách Giáo Lý , các linh mục và các Giáo Lý Viên (xem GLCG, số 12).
[25] Sách Giáo Lý Công Giáo "Tông Hiến Kho Tàng Đức Tin", , số 1, tr. 13.
[26] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Lời Mở đầu, 10, tr. 19.
[27] Đề nghị 2.
[28] Về việc dạy Giáo Lý với các hình thức văn hóa, tôn giáo Việt Nam, tôi nhớ một sự kiện đáng buồn: vào những năm thuộc thập niên 50, một số người dùng hình thức cúng tế của các tôn giáo ngoài Công Giáo để diễn tả hy tế Thánh Giá. Trước sự kiện này một số người lên tiếng đả kích gắt gao, vì so sánh giữa hy tế Thánh Giá với việc cúng tế . . . hoán toàn khác nhau. Tư đây một số người trong hàng giáo sỹ và giáo dân đã bị lên án thật nặng nề. Sự kiện này nhắc chúng ta cần có một cái nhìn khoa học, đức tin và nhân ái đối với người khác và thận trọng trong việc dùng yếu tố văn hóa để diễn tả đức tin.
[29] Sách Giáo Lý Công Gíao, số 5.
[30] Xem Sách Giáo Lý Công Giáo, số 13 và các số tiếp theo.
[31] Sách Giáo Lý Công Giáo số 11. Xem số 25: "Trên hết mọi sự là đức mến".
[32] Như trên, Tông hiến "Kho tàng Đức Tin", số 3, câu cuối cùng.
[33] Xem, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Thế Giới kỳ XII, Lời Đức Kitô (Verbum Domini), về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, Bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh trực thuộc Hội ồng Giám Mục Việt Nam, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo,Hà Nội, 2011, số 15.
[34] Tông huấn "Lời Đức Kitô", số 12.
[35] Xem Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân, số 25. 26. 27. 34. 35. 36.
[36] Hội Đồng Gia1m Mục Việt Nam, Thư chung 2011, số 5.
[37] Nt., số 6.
[38] Xem Mt 5, 13. 14.
[39] Thư Chung 2011, số 7.
[40] Xem Mt 13, 18-28; Mc 4, 13-20; Lc 8, 11-15.
Nguồn WGPSG


0 nhận xét:

Đăng nhận xét